Đại dịch COVID-19 đang khiến cả thế giới điêu đứng bởi sức tàn phá của nó. Hàng trăm triệu ca mắc và hàng triệu ca tử vong. Cùng với đó là những ảnh hưởng về sức khỏe, về tâm lý và kinh tế, mà có lẽ sẽ còn khá lâu thế giới mới có thể phục hồi được.
1. COVID-19 là gì?
COVID-19 (bệnh vi-rút corona 2019) là một bệnh do virus có tên SARS-CoV-2 gây ra – được phát hiện vào tháng 12 năm 2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc – rất dễ lây lan và nhanh chóng trở thành đại dịch thế giới.
Virus SARS-CoV-2 là một phần của nhóm virus Corona, bao gồm các loại virus phổ biến gây ra nhiều loại bệnh từ cảm thông thường hoặc viêm phế quản đến các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng Hô Hấp Cấp Tính Nghiêm Trọng (SARS) và Hội Chứng Hô Hấp Trung Đông (MERS).
Giống như nhiều loại virus đường hô hấp khác, virus Corona lây lan nhanh chóng qua các giọt nhỏ mà bạn bắn ra khỏi miệng hoặc mũi khi bạn thở, ho, hắt hơi hoặc nói.
COVID-19 thường gây ra các triệu chứng về đường hô hấp, giống như cảm lạnh, cảm cúm hoặc viêm phổi. Nhưng COVID-19 không chỉ tấn công phổi và hệ hô hấp mà các bộ phận, chức năng khác của cơ thể con người cũng có thể bị ảnh hưởng.
Hầu hết những người bị COVID-19 có các triệu chứng nhẹ, nhưng một số người lại trở nên rất nặng. Đặc biệt là những người có bệnh lý nền nghiêm trọng dễ dẫn đến tử vong.
Hiện nay, cả thế giới đang tích cực thực hiện tiêm chủng nhằm giảm nhẹ triệu chứng và độc lực của SARS-CoV-2 đối với cơ thể con người.
2. Virus gây ra đại dịch COVID-19 tồn tại bao lâu trong không khí?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 ít có khả năng lây lan trong môi trường mở, nhưng lại có khả năng lây lan rất lớn trong môi trường kín và có sử dụng điều hòa nhiệt độ.
Bởi thay vì những giọt bắn chứa virus sẽ lơ lửng trong không khí 1 thời gian cực ngắn rồi rơi xuống đất thì điều hòa không khí sẽ khiến chúng được lưu thông trong không gian của toàn bộ căn phòng và xâm nhập vào các vật thể sống có trong căn phòng đó. Bởi vậy, người dân được khuyến cáo là nên mở cửa phòng và hạn chế sử dụng điều hòa để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo.
Ngoài không khí, virus SARS-CoV-2 còn có khả năng tồn tại trên bề mặt từ vài phút đến vài giờ, thậm chí vài tuần trên các chất liệu khác nhau. Ví dụ như trên bề mặt xốp chỉ sau vài phút đến vài giờ, SAR-CoV-2 đã không còn khả năng lây nhiễm, nhưng phải mất vài ngày đến hàng tuần thì virus này mới không còn khả năng lây nhiễm trên các bề mặt không xốp như đồng, thép, nhựa,…
Để hạn chế sự lây nhiễm của SARS-CoV-2, ngoài việc tránh tiếp xúc gần và trực tiếp với những người có mầm bệnh, thì phải thường xuyên khử khuẩn tay và các bề mặt chạm, hạn chế sử dụng chung điều hòa và thường xuyên cho không khí lưu thông bằng cách mở cửa với không gian bên ngoài.