Khi trẻ bỗng nhiên mất ngủ
Còn một năm học nữa sẽ chuyển cấp, tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, cháu N.H.T. (14 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Phúc) không muốn đến trường. Mỗi khi tới lớp, trẻ luôn kêu đau bụng hoặc ngủ gật giữa giờ, tâm trạng chán nản không muốn giao tiếp với ai. Ít ai biết rằng, buổi đêm khi ở nhà, T. mất ngủ triền miên và tình trạng này đã kéo dài vài tháng nay.
Bác sĩ Ngô Anh Vinh cảnh báo, mất ngủ có thể là biểu hiện của một số căn bệnh liên quan tới sức khỏe vị thành niên
Cô bé trằn trọc khó vào giấc ngủ và giấc ngủ cũng chập chờn. Vì thế, trẻ thường loay hoay ra vào các phòng và có đêm ngồi chơi với mèo cho tới sáng để giết thời gian. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ mệt mỏi, bỏ ăn, bỏ học và cơ thể gầy sút nhanh chóng khiến gia đình rất lo lắng và đưa trẻ tới Bệnh viện Nhi Trung ương để khám.
Tiến sĩ – bác sĩ (TS-BS) Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe vị thành niên, cho biết, trẻ luôn trong tâm trạng căng thẳng, lo lắng và bất an. Đặc biệt, T. chia sẻ, mất ngủ kéo dài khiến em rất mệt mỏi, chán nản và cảm thấy không còn tha thiết, hứng thú với cuộc sống. Sau khi khám, bệnh nhi được chẩn đoán rối loạn lo âu và phải nhập viện để điều trị. Việc đầu tiên phải thực hiện là điều trị chứng mất ngủ của trẻ.